Phân biệt Dầu, Tinh dầu và Hương liệu - giải đáp chi tiết

Cập nhật gần nhất 12:24, 28/03/2024
Mục lục

Đã bao giờ bạn từng thắc mắc về sự khác nhau giữa 3 khái niệm dầu nền, tinh dầu và hương liệu hay chưa? Ngay cả Dược sĩ Cỏ cũng đôi lúc bối rối khi phân biệt. Bởi đây là những “nhân vật” quen thuộc thường xuyên xuất hiện bên cạnh chúng ta, từ thức ăn đến mỹ phẩm rồi các sản phẩm thiết yếu sử dụng hàng ngày. Đôi khi chúng cũng khiến ta phân vân hay nhầm lẫn. Bài viết này của Cỏ sẽ giúp bạn hiểu rõ 3 loại hợp chất này và sử dụng sao cho đúng nhé.

phan-biet-tinh-dau

Nhân vật đầu tiên: Dầu

Nhân vật đầu tiên là Dầu – hay dầu nền, dầu thực vật: Là CHẤT BÉO được chiết xuất từ thực vật, chủ yếu là các bộ phận giàu dinh dưỡng của cây như Hạt, Quả.

Dầu nền (tiếng Anh là carrier oil/ base oil) thường được chiết xuất từ các thành phần giàu CHẤT BÉO như quả, hạt bằng các phương pháp khá đơn giản như: ép nghiền, chiết nóng, ép lạnh…Ví dụ: Dầu dừa ép từ cùi dừa, dầu hạnh nhân ép từ hạt hạnh nhân, dầu oliu chiết từ quả oliu… Lượng chất béo trong các bộ phận này cũng dồi dào dễ khai thác nên dầu thực vật có giá thành rẻ và dễ mua được ở nhiều nơi.

Dầu thực vật chứa nhiều chất dinh dưỡng và các loại vitamin, khoáng chất nên đã được con người sử dụng làm thực phẩm cũng như mỹ phẩm thiên nhiên từ xa xưa để chăm sóc cơ thể. Một số loại có mùi thơm nhẹ, còn lại thì không. Đa số chúng có thể ăn uống được, có thể dùng nguyên chất trên da mà không gây kích ứng.

Tác dụng chính của dầu thực vật là dùng trong nấu ăn, cung cấp dinh dưỡng. Ngoài ra còn có công dụng làm đẹp da, đẹp tóc và ngày càng được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm. Dầu nền không bay hơi, khi để ngoài môi trường có thể bị oxi hóa, bị ôi thiu và có hiện tượng trở mùi khét vì có chứa chất béo. Dầu thường ở dạng sánh, màu vàng nhạt đến đậm, có thể được đựng trong chai nhựa.

phan-biet-tinh-dau-1

Nhân vật thứ 2: Tinh dầu

Nhân vật thứ 2 là tinh dầu: tuy cũng được chiết xuất từ Thực vật nhưng tinh dầu và dầu nền có rất nhiều điểm khác biệt mà nếu không hiểu rõ người dùng có thể gặp tổn thất thậm chí nguy hại.

Tinh dầu được ví như những viên đá quý của thiên nhiên – là thành phần tinh túy nhất của cây. Tinh dầu (tiếng Anh là Essential oil) được chiết xuất từ các thành phần có MÙI THƠM và KHÔNG BÉO của thực vật như hoa, vỏ, rễ, thân, lá… Vd: Tinh dầu hoa hồng chiết từ cánh hoa, tinh dầu quế chiết từ vỏ thân cây, tinh dầu bưởi chiết từ vỏ quả, tinh dầu khuynh diệp chiết từ lá cây… Để sản xuất tinh dầu cần những thiết bị chuyên dụng để chưng cất tinh dầu và phân tách tinh dầu ra khỏi các tạp chất khác trong cây.

Muốn có 1kg tinh dầu cần tới 5 tấn cánh hoa hồng, hoặc 3000 quả chanh to. Hàm lượng tinh dầu trong nguyên liệu thường ít, sản xuất tách chiết phức tạp nên giá thành rất cao. Tinh dầu nguyên chất có mùi mạnh, thường trong suốt, màu trắng hoặc vàng, nhẹ và ít nhờn dính hơn dầu nền và dễ bay hơi. Bao bì phải là chai thủy tinh có nắp nhựa cứng hoặc chai nhôm chuyên dụng, vì nếu để trong chai nhựa tinh dầu có khả năng hòa tan với các thành phần trong nhựa làm biến chất gây nguy hại cho người sử dụng.

Các thành phần hóa học của một loại tinh dầu có thể thay đổi theo mùa, khí hậu và điều kiện phát triển, có nghĩa là hương thơm tinh dầu khác nhau một chút giữa các lô thu hoạch khác nhau. Tinh dầu không bị oxi hóa, không bị ôi thiu hay trở mùi, chúng còn có tính kháng khuẩn. Vì vậy nó có thể tự bảo quản và còn trở thành chất bảo quản tự nhiên cho một số loại kem, dầu, mỹ phẩm để tăng tuổi thọ cho sản phẩm. Sự khác biệt đáng kể của tinh dầu và hương liệu đó chính là mục đích sử dụng. Tinh dầu nguyên chất được sử dụng trong liệu pháp tinh dầu – Aroma Therapy – hay còn gọi là phương pháp điều trị bằng tinh dầu với mục đích nâng cao sức khỏe thể chất, tình cảm và tinh thần: ngừa đau, kháng viêm, kháng khuẩn, chống mệt mỏi, chống mất ngủ, vấn đề về da như nám mụn…

Tinh dầu đi vào cơ thể qua da khi bôi kem, massage, hoặc tắm, qua hệ tiêu hoá (uống) hoặc qua hệ thống hô hấp (thông qua một máy khuếch tán hoặc xông hơi). Tuy nhiên trừ mục đích tạo hương thơm bên ngoài, không bao giờ nên dùng tinh dầu nguyên chất mà cần pha loãng tinh dầu với dầu nền vì tinh dầu có nồng độ rất cao rất dễ kích ứng làm tổn thương da, bỏng rát hoặc mẩn đỏ. Phần lớn tinh dầu rất dễ bay hơi và mùi thơm của nó cũng có xu hướng phai nhanh hơn các loại hương liệu. Nếu tinh dầu có giá rẻ, nó rất có thể đã bị pha trộn, một thực tế phổ biến là một số nhà cung cấp muốn thu lợi nhuận cao hơn thường cung cấp một sản phẩm “giả”: như hoà loãng tinh dầu với dầu nền hoặc trộn tinh dầu với hương liệu hoá học.

> Tham khảo ngay các loại tinh dầu thảo mộc, hương thơm tinh tế độc đáo tại nhà Cỏ

Và nhân vật thứ 3: Hương liệu là gì?

Hương liệu (fragrance oils, aromatic oils, perfume oils) là một sản phẩm tổng hợp công nghiệp từ hoá học mô tả hương thơm giống như tinh dầu trong thiên nhiên. Khi một hoạt chất được tổng hợp công nghiệp sẽ giúp cho nó có giá thành rẻ hơn và thuận tiện hơn (vì không cần đợi trồng trọt, thu hái, phụ thuộc thời tiết) nhưng cũng mang lại nhiều nhược điểm như làm tăng các hoá chất nguy hiểm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ví dụ: Hương liệu hóa học có thể gây kích ứng, nổi mẩn, lão hóa da, dùng kéo dài có thể gây ảnh hưởng cho hệ thần kinh trung ương hay gây rối loạn nội tiết.

huong-lieu

Hiện tại, trên thị trường chỉ có khoảng 150 tinh dầu các loại trong khi đó có đến 500 loại hương liệu tạo mùi. Số loại tinh dầu tuy ít, nhưng những hợp chất chứa trong nó thì rất nhiều. Mỗi loại tinh dầu thường chứa khoảng 50 – 500 hợp chất tự nhiên khác nhau có tác dụng tổng hoà. Trong khi đó, hương liệu phần lớn được tổng hợp để “bắt chước” mùi hương của các sản phẩm thiên nhiên hoặc tạo ra một cảm giác, ví dụ: hương liệu tạo mùi hương cà phê. Do hương liệu chỉ chứa những hoạt chất chính để tạo mùi nên số lượng các hợp chất trong hương liệu chắc chắn sẽ ít hơn trong tinh dầu. Tinh dầu nguyên chất chứa “tinh chất” của cây trồng và có nhiều thành phần mà khoa học hiện nay chưa thể xác định và bào chế được. Các thành phần này, tồn tại trong một tổng thể và tạo nên sự riêng biệt độc đáo cho mỗi loại tinh dầu. Các loại hương liệu không thể được chiết xuất ở dạng tinh dầu bao gồm chuối, dâu tây, dưa hấu, táo….được dùng phổ biến trong công nghiệp thực phẩm, nước hoa, mỹ phẩm. Các loại hương liệu không có tác dụng trị liệu và không được khuyến cáo cho mục đích điều trị. Giá thành của hương liệu hoá học rất rẻ so với tinh dầu. Ngoài hương thơm chúng không có tác dụng gì khác.

Bảng tổng hợp Đặc tính phân biệt Dầu – tinh dầu – Hương liệu

  Dầu Tinh dầu  Hương liệu
Nguồn gốc Nhân hạt, hạt, quả Lá, hoa, vỏ quả, vỏ thân cây, rễ…. Hóa chất
Cách điều chế Ép lạnh, đun chảy Chưng cất Tổng hợp hóa học
Hình thức Dạng sánh, nhờn từ không màu đến vàng sẫm. Dạng lỏng, trong suốt, ít nhờn. Dạng lỏng hoặc bột, màu săc đa dạng.
Hương thơm: đa số mùi nhẹ hoặc không thơm. Có mùi thơm đặc trưng cho mỗi loại thực vật. Hương thơm: có mùi thơm mô phỏng theo các loại hương thơm tự nhiên.
Khả năng bay hơi Không bay hơi Dễ bay hơi. Hương thơm khuyếch tán nhanh nhưng phai nhanh. Hương thơm lưu lại lâu hơn.