Gợi ý cách trang trí Tết cổ truyền 2024 đẹp và ấn tượng nhất
Trang trí nhà cửa, văn phòng là phong tục không thể thiếu khi những ngày Tết đang cận kề. Nó như thổi bùng hương xuân, sắc Tết trong vào nhà, làm không khí Tết thêm vui vẻ, đầm ấm, nhộn nhịp. Cùng chúng tôi tìm hiểu một số cách trang trí Tết cổ truyền ngay sau đẩy để chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn thôi nào.
Trang trí Tết cổ truyền có ý nghĩa gì?
Trang hoàng nhà cửa là một trong những phong tục truyền thống của người Việt Nam. Vào những ngày giáp Tết, các gia đình Việt sẽ bắt đầu dọn dẹp và trang trí nhà ở, nhà hàng, cửa hiệu,...
Tục lệ trang trí nhà cửa có ý nghĩa lớn với nền văn hóa truyền thống của người Việt nói chung và của mỗi gia đình nói riêng. Hoạt động này thể hiện sự trân trọng với những giá trị truyền thống trong không khí ngày Tết đang đến gần.
Đối với người dân Việt Nam, việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa trước Tết mang ý nghĩa xóa bỏ những “bụi bặm”, những điều không may mắn của năm cũ, để sang năm mới đón chào mọi điều tốt đẹp hơn.
Trang trí ngày Tết cổ truyền còn có ý nghĩa đón lộc đầu năm vào nhà. Theo quan niệm của người xưa, Thần Tài mang đến may mắn, phúc lộc sẽ gõ cửa những ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất, hạnh phúc trong những ngày đầu năm.
Trên thực tế, những gia đình có ngôi nhà sạch sẽ, trang trí Tết đẹp mắt thì gia chủ sẽ tự tin hơn khi có khách đến thăm. Một phần việc này cũng mang ý nghĩa thể hiện sự chỉn chu, sạch sẽ, gọn gàng của gia chủ. Đồng thời, bản thân khách tới cũng sẽ thấy thoải mái và được tôn trọng.
Cùng nhau trang trí Tết cổ truyền vào những ngày cuối năm còn là sợi dây gắn kết tình cảm gia đình khi tất cả mọi người chung tay, góp sức để dọn dẹp, vệ sinh và tạo nên những góc trang trí Tết nguyên đán độc đáo ở từng căn phòng, mỗi góc sân.
Ý tưởng trang trí Tết cổ truyền đơn giản nhưng ý nghĩa
Thay vì chỉ trang trí bằng đào, bằng mai truyền thống thì Tết năm nay bạn có thể thử những phong cách mới. Nếu bạn đang tìm kiếm những phong cách trang trí Tết cổ truyền 2024 thì có thể tham khảo một số gợi ý sau đây nhé.
Trang trí Tết cổ truyền với đèn lồng
Đèn lồng đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Hình tròn của đèn tượng trưng cho cuộc sống tròn đầy hạnh phúc. Với sắc đỏ của vải, giấy, đèn tỏa ra ánh sáng là màu nóng, theo quan niệm phương Đông giúp thu hút may mắn và tiền tài vào nhà, cho cuộc sống gia chủ thêm sung túc và hạnh phúc. Vậy nên nó được sử dụng nhiều trong trang trí Tết cổ truyền.
Có nhiều phương án trang trí Tết cổ truyền bằng đèn lồng:
-
Đơn giản nhất là bạn mua một cặp đèn lồng đỏ và treo ở hai bên cổng chính của căn nhà. Điều này mang ý nghĩa hy vọng ánh sáng của đèn lồng sẽ dẫn lối cho may mắn và những điều tốt lành vào nhà trong năm mới. Chỉ một cặp đèn lồng cũng đã đủ thấy sắc Tết trong gia đình bạn rồi.
-
Nếu gia đình bạn có khoảng sân rộng giữa từ cổng đến cửa nhà thì có thể làm đường đèn lồng. Những dây đèn lồng treo dài theo đường vào nhà sẽ gây ấn tượng cực mạnh đấy.
-
Bạn muốn tạo góc trang trí Tết cổ truyền độc đáo thì có thể tham khảo cách tạo cây lồng đèn nhé. Những cây to nơi sân của bạn vào mùa đông đã rụng hết lá, hãy điểm “hoa” cho chúng để tạo thành những cây hoa lồng đèn nhé. Với cách này bạn nên chọn đèn lồng nilon để không bị rách khi trời mưa hay sương sớm. Đèn lồng nên có kích thước to nhỏ khác nhau, sắp xếp bất quy tắc để tạo nên một cây trang trí độc đáo.
Trang trí Tết cổ truyền với decal dán
Những gia đình, văn phòng có cửa sổ sát đất, cửa kính thì trang trí ngày Tết cổ truyền bằng decal dán là lựa chọn tối ưu. Cửa kính sẽ bớt đơn điệu, trở nên sống động hơn nhờ những cành đào, nhành mai.
Tùy vào kích thước của cửa kính mà bạn có thể lựa chọn số lượng hình dán cho phù hợp. Số lượng hình dán không nên quá nhiều, sẽ tạo sự rối mắt. Bạn cũng nên chọn hình dán theo một chủ đề cụ thể để bố cục tổng thể hài hòa hơn.
Các decal phù hợp cho ngày Tết như mai vàng, đào phai, bánh chưng xanh - dưa hấu đỏ, thần tài, đèn lồng, chim én báo xuân, con rồng,...
Trang trí Tết cổ truyền với bùa may mắn
Những chiếc bùa may mắn mang ý nghĩa cầu phúc, cầu tài, chúc lộc trong năm mới nên được nhiều người lựa chọn để trang trí Tết cổ truyền. Những vật trang trí này khá nhỏ, cho nên khi treo một mình một chiếc lên đâu đó thì sẽ khó tạo được ấn tượng.
Thay vào đó bạn có thể kết hợp bùa may mắn với cành đào, cành mai. Xen lẫn giữa sắc hồng, sắc vàng của đào mai chính là màu đỏ may mắn của những lá bùa trang trí. Tuy nhiên bạn cũng không nên treo quá nhiều phụ kiện lên cây đào, cây mai vì sẽ khiến cho hoa trở thành “nhân vật phụ”, rối mắt.
Nếu muốn treo nhiều hơn bạn có thể lựa chọn những cành cây khô, sau đó treo cùng lúc nhiều bùa may mắn để làm cây bùa may mắn như cây đèn lồng. Điểm khác biệt là cây này có kích thước nhỏ hơn và có thể đặt trong nhà.
Trang trí Tết cổ truyền với pháo hoa giả
Pháo hoa tượng trưng cho không khí vui vẻ của ngày Tết. Ngày xưa, mỗi khi Tết đến là tiếng pháo nổ rộn ràng khắp ngõ xóm. Nghe thấy tiếng pháo là thấy Tết về. Ngày nay tuy không phù hợp để đốt pháo nhưng chúng ta có thể trang trí bằng pháo hoa giả để tăng thêm không khí Tết cho ngôi nhà của mình.
Những chùm pháo hoa giả to có thể treo trực tiếp lên tường, lên hai bên cổng ra vào hoặc mix cùng các vật phẩm khác trong góc trang trí Tết cổ truyền. Những chùm pháo nhỏ xinh rất phù hợp để gắn lên cành đào, cành mai hay những bình hoa mang sắc đỏ như tầm xuân, đào đông,...
Ngoài ra, hiện nay còn có cả loại pháo hoa điện tử có âm thanh rất vui tai, bạn có thể tham khảo để tạo thêm không khí Tết.
Trang trí Tết cổ truyền với bao lì xì
Cũng như những cách trang trí ở trên, bao lì xì là ý tưởng trang trí Tết cổ truyền vô cùng độc đáo. Bạn có thể treo bao lì xì trực tiếp lên cây đào, cây mai. Hoặc bạn cũng có thể chuẩn bị những cành cây không lá riêng để treo thật nhiều bao lì xì lên. Những chiếc bao lì xì được đính thêm dây để treo lên cây sẽ đung đưa đẹp mắt mỗi khi có gió thổi.
Bạn nên chọn những bao lì xì đỏ hoặc có họa tiết nhũ vàng với kích thước không đồng nhất để tổng thể cây thêm đẹp mắt.
Bạn cũng có thể kết những chiếc phong bao lì xì đỏ rực thành chuỗi dài ngắn khác nhau rồi treo nơi hiên nhà hay áp sát tường để giúp không gian thêm rực rỡ.
Trang trí Tết cổ truyền với mô hình bánh chưng, bánh tét
Tết là phải có bánh chưng, bánh tét. Bạn có thể tìm mua những mô hình này để trang trí Tết cổ truyền 2024 nhé. Những mô hình này thường được mix thêm một số vật trang trí nhỏ khác rồi đặt ngay trên kệ tivi, trên bàn,... hoặc đặt trong các góc trang trí Tết riêng.
Cách trang trí này vừa mang lại sự ngộ nghĩnh đáng yêu, vừa giúp cho ngôi nhà của bạn được nhiều em nhỏ thích thú khi ghé qua, mang theo tiếng cười vui vẻ trong suốt những ngày Tết.
Trang trí Tết cổ truyền với mành tre kèm phụ kiện
Mẫu trang trí Tết cổ truyền bằng mành tre thể hiện sự mộc mạc, mang hơi hướng hoài cổ đang rất phổ biến trong những năm gần đây. Bạn chỉ cần chọn một góc nhỏ trong nhà, sau đó phối hợp khéo léo giữa những vật dụng quen thuộc là bạn đã có một góc trang trí Tết cổ truyền thật ấn tượng cho ngôi nhà, văn phòng của mình.
Bạn có thể treo mành tre lên tường, mix cùng với câu đối, bộ ấm trà phong cách cổ, mẹt ghi chữ Tết hoặc vòng hoa, bình hoa cùng mô hình bánh chưng, bánh tét,...
Trang trí Tết cổ truyền với vòng hoa Tết
Những vòng hoa phá cách đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ. Với sự biến tấu từ vòng hoa ngày Giáng sinh, những vòng hoa mang đầy sắc đỏ trở nên đậm chất Tết Việt.
Bạn có thể mua những vòng hoa sẵn để trang trí hoặc có thể tự tay làm các mẫu vòng hoa này. Vòng hoa Tết hiện nay đều được làm từ những loại hoa giả như cành đào đông, hoa mẫu đơn, hoa mộc lan,... với sắc đỏ chủ đạo xen lẫn ánh vàng kim từ các loại lá. Những vật liệu này hầu hết đều làm từ thép dẻo nên rất dễ tạo hình như mong muốn. Chúng ta cũng có thể kết hợp cùng với những chiếc quạt giấy tròn đỏ, bao lì xì hay bùa may mắn để vòng hoa thêm độc đáo.
Vòng hoa trang trí Tết cổ truyền có thể treo ở cửa chính, treo trên cửa kính hoặc treo trực tiếp lên tường đều rất đẹp.
Trang trí Tết cổ truyền với con giáp của năm (Giáp Thìn)
Năm 2024 là năm Giáp Thìn - năm con rồng. Rồng là một trong tứ linh, mang ý nghĩa may mắn, sức mạnh, quyền lực,... Do đó, việc trang trí Tết cổ truyền bằng các vật dụng có liên quan đến con rồng là một ý tưởng không tồi.
Với ý nghĩa phong thủy, bạn có thể lựa chọn những bức tượng rồng, bức tranh hình rồng để trang trí trong nhà. Nếu muốn mua những đồ vật hình rồng theo phong thủy thì bạn cũng cần quan tâm đến mệnh, tuổi, vị trí đặt để xem có phù hợp không nhé.
Với những bạn đam mê mô hình thì có thể đặt một em mô hình cực chất, mix cùng những vật dụng Tết truyền thống như lì xì, tràng pháo nhỏ xinh,... để không gian mang đậm dấu ấn riêng nhé.
Các chị em nên lựa chọn những vật dụng hình rồng đáng yêu như bộ khay đựng đồ ăn tạo hình rồng, gối bông hình rồng,... Bạn cũng có thể mua những hình decal dán hình rồng để trang trí lên cửa kính nhé.
Trên đây là tổng hợp một số gợi ý cách trang trí Tết cổ truyền bạn có thể tham khảo. Việc trang hoàng nhà cửa đón Tết rất có ý nghĩa nên đừng bỏ qua nhé. Tết sắp đến rồi, hãy thỏa sức sáng tạo để trang trí cho không gian nhà bạn thêm vui vẻ, náo nhiệt, đầy sắc xuân nhé. Chúc mừng năm mới!