SILICONE TRONG MỸ PHẨM CÓ THỰC SỰ CẦN TRÁNH XA?

Cập nhật gần nhất 11:11, 25/11/2024
Mục lục

Silicone là thành phần không còn xa lạ với những người quan tâm đến mỹ phẩm. Được ứng dụng trong mỹ phẩm lần đầu tiên vào những năm 1950, silicone càng trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp. Bạn có thể tìm thấy silicone trong bảng thành phần của các sản phẩm với tên có đuôi “-cone’’, “-conol’’ hay “-siloxane’’. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thành phần gặp nhiều ý kiến trái chiều về sự an toàn cho sức khỏe và môi trường. Vậy silicone có thực sự xấu và cần tẩy chay? 

silicone trong mỹ phẩm có thực sự cần tránh xa

BẢN CHẤT CẤU TẠO

Silicone là hợp chất polymer của silic, cacbon, hydro và oxi. Một số loại silicone khác còn có thêm ni-tơ hoặc lưu huỳnh. Các gốc hữu cơ khác cũng có thể được gắn vào mạch phân tử silicone tạo ra các nguyên vật liệu có đặc tính và công dụng đa dạng. Nguồn nguyên liệu chính của silicone là silica có nguồn gốc từ cát, thạch anh. Từ những nguyên liệu này, trải qua quá trình gồm các phản ứng hóa học phức tạp, silicone được tổng hợp và sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp.

Tùy vào cấu tạo, cấu trúc và liên kết hóa học giữa các nguyên tố của phân tử mà silicone có những dạng thể chất khác nhau (như dạng lỏng, dẻo, hoặc dạng rắn) và tính chất lý hóa khác nhau. Cũng dựa vào những đặc điểm này, silicone trong mỹ phẩm được phân thành 2 loại chính: silicone dễ bay hơi và silicone khó bay hơi. Silicone dễ bay hơi là các loại silicone có khối lượng phân tử nhẹ, điển hình là cyclopentasiloxane, cyclohexasiloxane. Các loại silicone khó bay hơi thường sẽ có cấu trúc phân tử lớn hơn, đa dạng thể chất từ lỏng đến gel đặc, bao gồm dimethicone, vinyl dimethicone crosspolymer, v.v.

silicone trong mỹ phẩm có thực sự cần tránh xa

VAI TRÒ VÀ ỨNG DỤNG TRONG MỸ PHẨM

Với các tính chất khác nhau, mỗi loại silicone được ứng dụng trong mỹ phẩm với những công dụng khác nhau. Silicone có tác dụng dưỡng ẩm, tạo lớp màng khóa ẩm trên bề mặt da, giúp hạn chế sự mất nước qua da. Với cấu trúc phân tử lớn với các khoảng không giữa các phân tử, lớp màng silicone không gây cảm giác nặng nề hay bí da, nhưng vẫn cho khả năng bảo vệ da hoàn hảo. Không chỉ vậy, silicone còn có khả năng lấp đầy các nếp nhăn, vết sẹo trên da hay các khoảng trống trên tóc bị tổn thương, tạo hiệu ứng mịn mượt, bóng khỏe cho bề mặt da và tóc. Đó là lý do tại sao silicone được ứng dụng rất nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da như lotion, kem dưỡng, các sản phẩm đặc trị hay các sản phẩm chăm tóc như dầu xả, kem ủ và serum dưỡng tóc trên thị trường. 

Silicone còn được sử dụng rất nhiều trong các sản phẩm makeup và kem chống nắng. Nhờ tính chất dễ bay hơi và không tương thích với nước, các sản phẩm trang điểm như kem che khuyết điểm, kem nền, son hay kem chống nắng trở nên dễ tán, nhanh khô ráo trên da, để lại lớp bề mặt mịn mượt, bền màu và lâu trôi. Silicone thường được sử dụng để bọc các hoạt chất chống nắng vật lý, giúp bảo vệ chúng không bị oxy hóa, tăng tính bền vững và hiệu quả của sản phẩm. Hơn nữa, silicone còn có tác dụng hạn chế sự hấp thụ của các chất chống nắng hóa học vào da, giúp duy trì khả năng chống nắng và bảo vệ da khỏi nguy cơ kích ứng hay các ảnh hưởng từ những thành phần này. Có một số tranh cãi về việc silicone có thể gây tăng tình trạng rụng tóc hoặc viêm tắc lỗ chân lông khi sử dụng nhưng thực tế, đa số các loại silicone có cấu trúc phân tử lớn, tạo màng trên bề mặt nhưng cấu trúc liên kết vẫn cho oxy đi qua nên không gây bít tắc da hoặc là loại dễ bay hơi, tan nước nên dễ bị rửa trôi, không làm nặng tóc, bít tắc da đầu, chúng góp phần làm giảm gãy rụng tóc. [3]

silicone trong mỹ phẩm có thực sự cần tránh xa

CÓ THỰC SỰ AN TOÀN?

Không như những lời đồn đại về sự độc hại hay khả năng gây ung thư, silicone và các dẫn xuất đến nay luôn được công nhận là an toàn cho sức khỏe con người. Các cơ quan, tổ chức như Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), EU hay Tổ chức Y tế Thế giới WHO đều khẳng định về sự an toàn và cho phép sử dụng silicone trong mỹ phẩm. Hiện tại, chưa có báo cáo khoa học nào kết luận silicone có khả năng gây độc, gây ung thư, hay ảnh hưởng đến thai nhi trong thai kỳ với nồng độ sử dụng trong giới hạn cho phép tiếp xúc trên da và qua đường tiêu hóa. Các báo cáo của Tổ chức Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (CIR) của Mỹ hay Ủy ban Khoa học về An toàn cho Người tiêu dùng (SCCS) thuộc Ủy ban Châu Âu EC cũng kết luận silicone an toàn và là thành phần lành tính trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp. [4]

Tuy nhiên, về ảnh hưởng của silicone đến môi trường và hệ sinh thái thì có nhiều quan điểm trái chiều. Theo thống kê, riêng ngành mỹ phẩm sử dụng khối lượng từ 50-200 tấn silicone bay hơi mỗi năm. 92% trong số này sẽ phát tán vào không khí, bị phân hủy sau 12-30 ngày [5]. Số còn lại và các loại silicone khó bay hơi bị rửa trôi, tích tụ vào nước, bùn, trầm tích, và đất. Những loại silicone này, tùy vào điều kiện của môi trường hoặc qua hệ thống xử lý, sẽ phân rã thành CO2, H2O và SiO2 hoặc khí CO. Có những nghiên cứu chỉ kết luận rằng silicone trong môi trường không gây hại đến các loài sinh vật trong đất, sinh vật phù du hay sinh vật biển. Người ta lo ngại về một số ít silicon không thể phân hủy sinh học và có khả năng tích lũy trong chuỗi thức ăn nhưng các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa có kết luận. 

silicone trong mỹ phẩm có thực sự cần tránh xa

Có thể thấy, silicone đem lại rất nhiều lợi ích trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và làm đẹp. Dù vẫn còn một số tranh cãi về tính an toàn của silicon cho môi trường, nhưng đối với sức khỏe, silicone nói chung đã được chứng minh an toàn và được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm. Vì vậy, trừ khi gặp một số tình trạng bệnh lý cụ thể nên tránh, chúng ta hoàn toàn không cần lo lắng khi sử dụng sản phẩm có chứa silicone. 

Các tài liệu tham khảo:

1. Montenegro, L., Paolino, D., Puglisi, G. (2004) Effect of Silicone Emulsifiers on In vitro Skin Permeation of Sunscreens from Cosmetic Emulsions, Journal of Cosmetic Science, 55(6):509-518

https://europepmc.org/article/med/15645107

2. Bains,P., Kaur, S. (2023) Silicone in Dermatology: An Update, Journal of Cutaneous and  Aesthetic Surgery, 16(1):p 14-20

https://journals.lww.com/jcas/Fulltext/2023/16010/Silicone_in_dermatology__An_update.2.aspx

3. Anna O., Bogna S., Dariusz B., Robert E. P. (2022) Silsesquioxanes in the Cosmetics Industry—Applications and Perspectives, Materials, 15, 1126

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8840497/pdf/materials-15-01126.pdf

4. Các báo cáo của CIR về đánh giá an toàn của nguyên liệu silicone

https://www.cir-safety.org/sites/default/files/methic122020revTAR.pdf

https://www.cir-safety.org/sites/default/files/Methicones.pdf

https://www.cir-safety.org/sites/default/files/ROPSIL_122014%20_FAR.pdf

5. Goddard, E.D., Gruber, J.V. (1999) Principle of Polymer Science and Technology in Cosmetics and Personal Care, Marcel Decker Inc., pg.312-318

https://books.google.com.vn/books?id=56R-6Wyyo6IC&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false

6. Paula’s Choice, Silicone in Skincare

https://www.paulaschoice.com/skin-care-advice/ingredient-spotlight/silicone-in-skin-care

7. Bộ Môi trường Đan Mạch (2014) Siloxanes (D3, D4, D5, D6, HMDS) - Evaluation of health hazards and proposal of a health-based quality criterion for ambient air, Environmental Project No. 1531

https://www2.mst.dk/udgiv/publications/2014/01/978-87-93026-85-8.pdf