Cây bồ hòn - Tác dụng của quả bồ hòn trong các bài thuốc và làm đẹp

Cập nhật gần nhất 13:20, 23/11/2024
Mục lục

Trái bồ hòn và các thành phần khác như lá, thân, rễ,... là loại dược liệu dân gian, được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực làm đẹp và y học. Để có cái nhìn tổng quan về quả bồ hòn và công dụng thực tế, bạn đọc đừng bỏ qua bài viết hữu ích từ Cỏ Mềm dưới đây.

quả bồ hòn

Tổng quan về cây bồ hòn

Giới thiệu cây bồ hòn

Theo Wikipedia: “Bồ hòn (danh pháp khoa học: Sapindus saponaria) là một cây rụng lá nhỏ đến trung bình, một loài thực vật có hoa trong họ Bồ hòn. Tên chi của nó, "Sapindus", xuất phát từ tiếng Latin, có nghĩa là xà phòng Ấn Độ. Loài này được L. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1753.”

Cây bồ hòn còn được gọi là cây bòn hòn, vô hoạn thụ, mộc hoạn tử, co hón, mác hón,... trong ngôn ngữ dân gian. Bồ hòn có hình dáng cây gỗ lớn, có chiều cao khoảng 5 - 10 mét hoặc thậm chí cao hơn, thường rụng lá vào mùa khô. Lá của cây bồ hòn có cấu trúc kép lông chim, mọc so le, hoa lưỡng tính.

quả bồ hòn
Hình ảnh cây và quả bồ hòn tươi

Quả bồ hòn là quả gì? Quả bồ hòn có hình cầu, với lớp vỏ ngoài dày bên ngoài và được bao bọc bởi các đường gân nổi rõ. Quả khi chín thường có bề mặt nhăn nheo, màu vàng nâu và chứa các hạt đen tròn. Cây bồ hòn thường nở hoa vào khoảng tháng 7 - 9 và quả chín vào khoảng tháng 10 - 12 hằng năm. Trồng cây bồ hòn bao lâu thì có quả? Sau khoảng 5 - 7 năm, cây sẽ bắt đầu cho quả thu hoạch.

Quả bồ hòn có nhiều ở đâu? Cây bồ hòn phân bố rải rác tại Việt Nam, chủ yếu trong các tỉnh có địa hình núi thấp (thường dưới 1000m) và khu vực trung du như Yên Bái, Bắc Giang, Nghệ An, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh,... Trước kia, người ta thường trồng cây bồ hòn tại những nơi như đình chùa hoặc xung quanh làng để làm đẹp cảnh quan.

Các thành phần của cây có thể sử dụng

Các bộ phận của cây bồ hòn thường được sử dụng là:

quả bồ hòn
Quả và hạt bồ hòn được sử dụng phổ biến nhất
  • Quả và hạt màu đen bên trong: Thông thường, loại quả này sẽ được thu hái vào mùa thu, và có thể được để nguyên hoặc loại bỏ hạt trước khi phơi khô. Loại dược liệu này có nhiều ứng dụng trong đời sống và y học.

  • Thân cây: Thân cây bồ hòn cũng được sử dụng để cung cấp nguyên liệu gỗ cho việc sản xuất vật liệu. 

  • Lá cây: Thường được sắc uống để trị ho gà, hoặc nghiền nát và đắp lên vùng bị côn trùng đốt để giảm sưng và đau.

  • Vỏ cây: Tại một số vùng, người ta thường lấy vỏ cây bồ hòn giã nát và ngâm trong nước tắm cho động vật như chó, mèo để diệt bọ, rận, và chấy.

  • Rễ bồ hòn: Nước sắc từ rễ có tác dụng làm mát, giải độc, điều trị cảm mạo, làm loãng đờm, giảm ho.

Tác dụng của quả bồ hòn

Thành phần chính trong quả bồ hòn là saponin. Bên cạnh đó, trong hạt bồ hòn còn có chứa khoảng 9 - 10% dầu béo. Vậy quả bồ hòn có tác dụng gì? Cụ thể:

Trong các bài thuốc

Quả bồ hòn được ứng dụng trong nhiều bài thuốc dân gian như:

quả bồ hòn
Trái bồ hòn có mặt trong nhiều bài thuốc đông y
  • Điều trị hôi miệng, sâu răng: Lấy khoảng 5 - 10g nhân quả bồ hòn, tán nhỏ và ngậm trong miệng (thời gian tuỳ theo mong muốn). Sau đó, súc miệng lại bằng nước sạch là xong.

  • Điều trị hắc lào: Tán nhỏ 20g vỏ quả bồ hòn và 10g củ riềng già. Ngâm hỗn hợp này vào 20ml cồn 90º, sau đó sử dụng dung dịch này để bôi lên vùng da bị bệnh.

  • Chữa tắc họng, khó nuốt: Lấy vỏ quả bồ hòn đã phơi khô và tán nhỏ. Sau đó, hít hơi từ nguyên liệu này vào họng.

  • Chữa ghẻ, hắc lào: Nấu quả bồ hòn (đã tách hạt) thành dầu. Tiếp theo, tán nhỏ một lượng nhỏ hạt củ đậu và diêm sinh (lưu huỳnh) với tỉ lệ bằng nhau, sau đó hòa vào dầu bồ hòn. Trước khi sử dụng, làm sạch vùng da bị bệnh bằng nước nóng, sau đó thoa dung dịch này lên da.

  • Điều trị ho đờm: Sau khi làm sạch và phơi khô, bạn có thể nhai vỏ quả trực tiếp và sau đó nuốt nước. Hoặc bạn có thể sắc vỏ quả để lấy nước, chia uống nhiều lần trong ngày.

  • Điều trị tiểu nhiều lần: Sắc nước từ vỏ quả bồ hòn và chia uống nhiều lần trong ngày. Hãy duy trì việc này trong khoảng hai tuần để có thể cảm nhận được hiệu quả.

  • Trị triệu chứng sốt cao và sốt xuất huyết: Chuẩn bị 4 - 5 quả bồ hòn khô vỏ, đun cùng 300ml nước trong 30 phút, sau đó tắt bếp. Cho người bị sốt uống nước đã sắc từ quả cây bồ hòn liên tục cho đến khi giảm sốt thì ngừng.

  • Trị ghẻ và loét da: Dùng quả bồ hòn, hạt máu chó và hạt củ đậu. Giã nát thành hỗn hợp, nấu cùng dầu vừng và để nguội. Sau đó, thêm bột diêm sinh và hạt củ đậu đã xay mịn vào hỗn hợp này. Dùng thuốc thoa đều đặn lên vùng da bị ghẻ và loét nhiều lần trong ngày.
quả bồ hòn
Hình ảnh quả bồ hòn thực tế

Ngoài ra, quả bồ hòn còn có rất nhiều công dụng khác. Cụ thể, trong y học dân gian Ấn Độ, người ta thường sử dụng vỏ quả bồ hòn pha với mật ong để làm viên uống hỗ trợ điều trị viêm phổi. Quả bồ hòn cũng có khả năng hỗ trợ điều trị các vấn đề da liễu. 

Trong mỹ phẩm

Bồ hòn còn là nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm và dòng sản phẩm vệ sinh gia đình. Đó là:

Làm xà phòng tắm, nước rửa tay: Các thành phần trong quả cây bồ hòn rất nhẹ nhàng với da, giúp làm sạch lỗ chân lông, loại bỏ tế bào chết và mang lại làn da mềm mại. Theo các chuyên gia da liễu, chất dầu béo trong quả cây bồ hòn có khả năng dưỡng ẩm cho da, giúp làm giảm viêm nhiễm do bệnh ngoài da gây ra.

quả bồ hòn
Ứng dụng bồ hòn trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc gia đình

Dầu gội hỗ trợ trị gàu và chống nấm: Tác dụng của quả bồ hòn với tóc là gì? Các chất kháng khuẩn như flavonoid trong quả cây bồ hòn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nấm, đồng thời loại bỏ chấy trên da đầu, giảm ngứa. Quả bồ hòn cũng chứa nhiều thành phần dược liệu, giúp tóc trở nên mềm mượt, ngăn ngừa ngứa do gàu, nuôi dưỡng da đầu để giảm tình trạng tế bào chết gây ra tình trạng gàu.

Làm xà phòng giặt quần áo: Saponin, một chất không chứa kiềm có trong trái bồ hòn, giúp loại bỏ các vết bẩn trên vải mà không làm ảnh hưởng đến độ bền của vải. Tính kháng khuẩn trong quả bồ hòn cũng giúp loại bỏ mùi mồ hôi tạp chất trên quần áo, phù hợp với người có làn da nhạy cảm.

Bên cạnh đó, nhiều tài liệu dân gian cho biết việc sử dụng nước nấu từ trái bồ hòn để rửa mặt cũng có thể hỗ trợ trong việc trị mụn nhờ vào tính kháng khuẩn của các thành phần trong phần thịt quả.

Các lưu ý khi sử dụng và tác hại của quả bồ hòn

Để sử dụng trái bồ hòn an toàn, hiệu quả, bạn cần lưu ý:

quả bồ hòn
Cần sử dụng trái bồ hòn đúng cách 
  • Thành phần saponin có trong quả bồ hòn có khả năng gây độc tính. Tuy nhiên, may mắn là cơ thể người hấp thu saponin kém, dẫn đến việc chất này sẽ được tiết ra khỏi cơ thể mà không gây hại. 

  • Khi điều trị vết bỏng da, nên tránh sử dụng các sản phẩm thuốc mỡ có thành phần bồ hòn, vì chúng có thể làm tăng khả năng tạo mủ tại vết thương.

  • Nước bồ hòn có tính chất tẩy rửa mạnh. Do đó, cần tránh nuốt phải nước bồ hòn và không để dịch chiết bồ hòn tiếp xúc trực tiếp với mắt để tránh nguy cơ kích ứng, viêm đỏ mắt. 

  • Khi muốn sử dụng bồ hòn như một loại dược liệu để điều trị bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. 

  • Nếu bạn có cảm giác ngứa, da đỏ lên, phát ban,... sau khi sử dụng chiết xuất từ bồ hòn, bạn nên ngừng ngay lập tức. 

  • Nước bồ hòn thường khá dịu nhẹ và phù hợp cho trẻ em cũng như người có làn da nhạy cảm. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu nên hạn chế việc sử dụng nước bồ hòn.

Hy vọng qua chia sẻ kể trên, bạn đọc đã nắm được tác dụng của quả bồ hòn trong y học và làm đẹp. Hiện đã có nhiều sản phẩm mỹ phẩm làm sạch và chăm sóc gia đình sử dụng chiết xuất bồ hòn. Bạn hãy ưu tiên sử dụng những sản phẩm này để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình nhé!