EU quy định chỉ được dùng Retinol ở 0.3%?

Cập nhật gần nhất 10:56, 21/11/2024
Mục lục

Có an toàn khi tự dùng mỹ phẩm chứa Retinol? 

  Vừa qua, tháng 4 năm 2024, Ủy ban Liên minh Châu Âu đã thông qua quy định 2024/996 về việc sửa đổi Quy định 1223/2009 của Nghị viện và Hội đồng Châu Âu liên quan đến việc sử dụng một số chất có khả năng gây rối loạn nội tiết của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó EU quy định hàm lượng Retinol cho phép lưu hành không kê đơn trong mỹ phẩm chỉ ở mức 0.3% và trong kem dưỡng thể là 0.05% [4] 

Quy định này được thông qua do cảnh cáo về mức độ an toàn và tình trạng lạm dụng các hoạt chất trong mỹ phẩm chăm sóc da hằng ngày gây ra nhiều tác dụng phụ, đặc biệt với các hoạt chất liên quan đến Retinol/ Vitamin A. Để hiểu rõ hơn về Retinol, cũng như cách dùng sao cho an toàn chúng ta cùng điểm lại quá trình nghiên cứu và phát triển của hoạt chất chống lão hóa này:

Lịch sử phát triển và ứng dụng trong chăm sóc da

 Vào những năm 1930-1940 Retinol, một dạng của Vitamin A đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý nhờ vào tác dụng tích cực của nó với sức khỏe và làn da. Các nghiên cứu cho thấy Vitamin A và dẫn xuất đặc biệt là retinol, nằm trong số những chất hiệu quả nhất làm chậm quá trình lão hóa cùng tác dụng trong điều trị mụn trứng cá, bệnh vẩy nến, làm sáng da nhờ tác động đến việc thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, điều chỉnh bã nhờn, chống lại sự thoái hóa collagen và tăng cường hình thành mạch máu ở hạ bì [3].

 Từ những năm 1990 đến nay, không dừng lại ở các điều trị da liễu mà các sản phẩm chứa Retinol và dẫn xuất (Acid retinoic, Este Retinyl, Retinaldehyd, Adapalene..)  được ứng dụng rộng rãi hơn trong ngành mỹ phẩm và làm đẹp. Tuy vậy, phần lớn các sản phẩm  Retinol tại thị trường Mỹ và Châu Âu phải được kê đơn bởi bác sĩ thì  ở một số các thị trường khác như Châu Á các sản phẩm chứa Retinol được nhiều KOL/KOC quảng cáo khuyến khích sử dụng dẫn đến việc người tiêu dùng chủ quan, lạm dụng quá mức. Nhiều tình trạng bất lợi khi sử dụng retinol được báo cáo như [1],[2]: 

  • Kích ứng, ban đỏ      

  • Gây ngứa, rát 

  • Gây khô da, bong tróc da

  • Gây sạm da, tăng sắc tố da

  • Đẩy mụn/ bùng mụn

  • Phồng rộp, sưng 

Đặc biệt nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn khi sử dụng nhiều chất chứa retinol cùng lúc. Không những vậy, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sinh sản và thai nhi nên Retinol được khuyến cáo không sử dụng với phụ nữ mang thai.

  Các tác dụng phụ này cũng sẽ cải thiện nếu chúng ta sử dụng đúng cách và đúng hàm lượng.

Cách sử dụng của Vitamin A trong mỹ phẩm an toàn?

 Acid retinoic/Tretinoin, Tazarotene đều là thuốc cần sự kê đơn của bác sĩ và chuyên gia. Nên nếu chúng ta cân nhắc sử dụng hãy tham khảo ý kiến bác sĩ [5],[6].

Retinol, Retinaldehyde, Este retinyl (retinyl acetate và palmitate) là hoạt chất được sử dụng mà không cần sự kê đơn của bác sĩ nhưng vẫn cần sử dụng đúng cách để giảm thiểu tác dụng phụ như [2]:

  • Thoa retinol sau khi làm sạch mặt ít nhất 30 phút.

  • Nên sử dụng vào ban đêm.

  • Luôn sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài.

  • Sử dụng cách ngày hoặc cách 2-3 ngày một lần rồi tăng dần lên sử dụng hàng ngày.

  • Sử dụng kết hợp các sản phẩm dưỡng ẩm và phục hồi da. 

  • Không nên dùng nhiều sản phẩm cùng chứa Retinol cùng lúc gây kích ứng nghiêm trọng hơn. 

  • Tránh sử nồng độ retinol quá cao khi mới bắt đầu sẽ có thể dẫn đến xấu đi tình trạng da, nên bắt đầu từ nồng độ thấp.

  • Thoa sản phẩm chứa retinol lên vùng da nhỏ trước quan sát tình trạng kích ứng trước khi sử dụng toàn mặt.

 Nếu tình trạng kích ứng trên da vẫn kéo dài thì nên hỏi ý kiến bác sĩ xem retinol có phù hợp với tình trạng da không.

Sử dụng sản phẩm chứa Vitamin A ở nồng độ bao nhiêu?  

 Năm 2016: Theo SCCS (Scientific Committee on Consumer Safety- Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng) việc bổ sung Vitamin A qua thực phẩm/ thực phẩm bổ sung  có thể đã gần với ngưỡng dung nạp tối đa, dẫn đến việc bổ sung thêm Vitamin A qua bất kì đường nào kể cả các sản phẩm mỹ phẩm đều có nguy cơ vượt quá mức an toàn. Việc dư thừa Vitamin A gây nhiều tác động xấu đến cơ quan gan, mắt, thần kinh, thai nhi,…Do đó việc sử dụng retinol và các este của nó trong mỹ phẩm nên được hạn chế. 

 Trong dự thảo SCCS/1576/16 kết luận việc sử dụng các chất: Retinol (RE), retinyl acetate và retinyl palmitate trong mỹ phẩm với hàm lượng 0.05% (tương đương RE) với kem dưỡng thể và 0,3% (tương đương RE) với kem tay, kem mặt, sản phẩm lưu lại hoặc tẩy rửa (Kem chống nắng, kem mắt, kem chống nhăn..) là an toàn. Năm 2022, SCCS đã thông qua ý kiến sửa đổi SCCS/1639/21 [7]

 Đồng thời quy định mới nhất của Ủy ban EU 2024/996 ngày 3 tháng 4 năm 2024 quy định Retinol, Retinyl Acetate, Retinyl Palmitate thêm vào vị trí 376 của Annex III sẽ quy định hàm lượng [4]:

  • Kem dưỡng thể là 0.05% RE 

  • Các sản phẩm lưu lại trên da và tẩy rửa là 0.3% RE. 

  • Nhãn bắt buộc ghi: Sản phẩm chứa Vitamin A, cân nhắc lượng dùng hàng ngày trước khi sử dụng. 

Những thay đổi này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 2025 :  các sản phẩm mỹ phẩm mới không đáp ứng yêu cầu sẽ không được đưa ra thị trường EU. Ngày 1 tháng 5 năm 2027, các sản phẩm không đáp ứng điều kiện sẽ không được bán trên thị trường EU.

Vậy nếu không sử dụng Retinol thì có giải pháp thay thế tương đương không?

Ngoài retinol, Chúng ta cũng có rất nhiều các hoạt chất khác tác dụng tương tự và ít tác dụng phụ hơn như:

  • Vitamin C: được biết đến khả năng sản sinh collagen chống lão hóa, giúp da đàn hồi tốt hơn, hỗ trợ đều màu da, sáng da.[8]

  • Bakuchiol: là một chiết xuất thực vật, có nguồn gốc từ cây Psoralea Corylifolia, thường được gọi là babchi mang lại nhiều hiệu quả tương tự retinol [9]

  • Đồng peptid: thúc đẩy sản sinh collagen, elastin giúp làm da trẻ trung và săn chắc hơn. Đồng thời làm giảm viêm giúp dịu da.[10]

  • Acid azelaic: acid azelaic thường được sản xuất bởi 1 loại nấm men có tác dụng trong điều trị mụn trứng cá, nám, tăng sắc tố, giảm tế bào sừng.[11]

 Chúng ta cần hiểu rõ tình trạng làn da, lựa chọn sản phẩm kỹ càng, quan sát sự đáp ứng thích nghi của làn da, không vội vàng nghe theo review, quảng cáo từ các trang mạng xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] Vitamin a: history, current uses, and controversies, DOI: 10.1016/j.sder.2011.11.009

[2] https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/how-does-retinol-work#fa-qs

[3] Retinoids: active molecules influencing skin structure formation in cosmetic and dermatological treatments. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6791161/

[4]  Quy định 2024/996  https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/PDF/?uri=OJ:L_202400996

[5] Quy định 1223/2009  https://e

ur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A32009R1223

[6] Tazarotene topical cream  https://www.medicalnewstoday.com/articles/drugs-tazarotene-topical-cream#about

[7] SCCS/1576/16 https://health.ec.europa.eu/publications/revision-scientific-opinion-sccs157616-vitamin-retinol-retinyl-acetate-retinyl-palmitate_en

[8] A review of topical vitamin C derivatives and their efficacy https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/jocd.14465

[9] Prospective, randomized, double-blind assessment of topical bakuchiol and retinol for facial photoageing https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29947134/

[10] The potential of GHK as an anti-aging peptide https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35083444/

 

[11] The multiple uses of azelaic acid in dermatology: mechanism of action, preparations, and potential therapeutic applications https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10809820/