SILICONE TRONG MỸ PHẨM VÀ NHỮNG HIỂU LẦM

Cập nhật gần nhất 13:19, 27/04/2024
Mục lục

Trong các thành phần chăm sóc da, Silicone thường bị mang tiếng xấu là độc hại và gây nhiều tranh cãi. Chỉ với một tìm kiếm nhanh trên Google sẽ tiết lộ một loạt các tuyên bố tiêu cực về Silicone như tác hại tới môi trường, gây bít tắc lỗ chân lông, gây mụn, ung thư … Nhưng liệu những tuyên bố đó đã đủ cơ sở khoa học chưa hay chỉ là những tranh cãi không có căn cứ. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những lầm tưởng về Silicone nhé.

silicone trong mỹ phẩm và những hiểu lầm

Silicone là gì?

Silicone là một loại polymer được tạo thành từ các chuỗi nguyên tử silicon (Si), oxy và các nguyên tố khác như carbon, hydro. Silicon (Si) là thành phần chính của cát, thạch anh và cần trải qua nhiều giai đoạn điều chế trong công nghiệp để trở thành Silicone. Silicone tồn tại ở nhiều dạng từ lỏng đến rắn (tùy theo liên kết hóa học của các nguyên tố) và được sử dụng phổ biến trong đời sống hằng ngày, ứng dụng trong các lĩnh vực của ngành vật liệu xây dựng, y tế, chăm sóc cá nhân, thẩm mỹ …bởi tính trơ, ổn định, chịu nhiệt và  độc tính thấp. 

silicone trong mỹ phẩm và những hiểu lầm

Các loại silicone thường gặp trong mỹ phẩm

Để biết được thành phần mỹ phẩm thuộc nhóm silicone, hãy để ý đến những chất có đuôi -cone, -conol, -siloxane trong danh sách thành phần. 

Một số silicone thường gặp trong mỹ phẩm:

  • Cyclomethicone: (D4,D5…): Đây là một hợp chất mạch vòng, được sử dụng phổ biến nhất. Các thành phần này dễ bay hơi và bay hơi nhanh hơn nước và Ethanol. Điều này làm cho chúng phù hợp trong sản phẩm kiềm dầu, son lì …để lại lớp hoàn thiện mềm mượt. 

  • Dimethicone: Có trọng lượng phân tử thấp và lỏng hơn, dễ dàng lan truyền trên bề mặt. Đây là loại silicone khóa ẩm tốt, làm mềm da, tạo màng kháng nước, cải thiện khả năng dàn trải của sản phẩm. Hay gặp silicone này trong sản phẩm trang điểm, chống nắng với tỉ lệ bột màu, bột chống nắng tỉ lệ lớn …

  • Silanols: Đặc tính dễ tan trong nước, do đó, thường được sử dụng trong các sản phẩm dưỡng tóc, da. Chính vì vậy, nó rất phù hợp cho các sản phẩm dưỡng tóc để tạo độ bóng, trơn mượt nhưng sẽ dễ bị trôi đi trong những lần gội/rửa tiếp theo.  

silicone trong mỹ phẩm và những hiểu lầm

Một số lầm tưởng phổ biến về Silicone 

  1. Silicone gây bít tắc lỗ chân lông, làm nặng thêm tình trạng mụn 

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các silicone có khả năng chống oxy hóa cao và không có khả năng làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Silicone tạo hàng rào bảo vệ da, giúp khóa ẩm da. Chúng sẽ khó gây bít tắc dẫn đến nổi mụn vì các phân tử Silicone có cấu trúc rất lớn, chúng không thể gây bít tắc hay bịt kín tất cả những khoảng trống ở trong lỗ chân lông, nhưng chúng có thể giữ lại dầu nhờn, bụi bẩn tích tụ nếu bạn không làm sạch đúng cách và chính điều này mới là nguyên nhân gây mụn. Vì vậy, với các sản phẩm có chứa silicone như Kem chống nắng, cushion chúng ta cần làm sạch da tốt hơn để tránh tình trạng này. [1]

  1. Silicone gây kích ứng da 

Silicon không gây kích ứng da. Chúng làm giảm hoặc loại bỏ kích ứng vì chúng tăng cường sự lan tỏa, dàn trải các thành phần trong quá trình sử dụng. Điều này, khiến cho silicone hay được sử dụng trong các sản phẩm chứa AHA, axit salicylic, retinol, kem chống nắng …

Silicone phân tử lớn nên không thể xâm nhập vào da gây ra dị ứng. Chúng rất trơ về mặt sinh học khi tiếp xúc với da. Silicone thường được sử dụng trên các vết thương hở vì chúng rút ngắn thời gian lành vết thương và không tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. [1] 

  1. Silicone là thành phần tạo cảm giác, không có công dụng cho da

Silicone đóng vai trò trong tạo kết cấu và tạo lớp hoàn thiện của sản phẩm chăm sóc da. Các tài liệu khoa học cũng chứng minh là silicone giúp gia tăng quá trình hydrate của da, tăng tính thấm của các hoạt chất khác. Đồng thời, chúng làm mờ sẹo, bảo vệ da khỏi tác động của vi khuẩn, môi trường. Trong sản phẩm chống nắng và trang điểm, silicone đóng vai trò là thành phần chức năng giúp đảm bảo chỉ số chống nắng luôn ổn định, tạo lớp trang điểm mịn, mượt, làm đầy rãnh nếp nhăn, khuyết điểm, hạn chế kích ứng từ các chất chống nắng hóa học …[2] 

silicone trong mỹ phẩm và những hiểu lầm

  1. Silicone tích tụ trên da và tóc 

Mức độ lắng đọng silicone lên da và tóc phụ thuộc vào loại silicone sử dụng và cách bạn làm sạch. Các loại silicone không tan trong nước, chúng có thể gây bít tắc, tích tụ trên da đầu, tóc, da nếu không được làm sạch kỹ. Đây cũng chính là loại silicone gây nhiều tranh cãi, tiếng xấu trong ngành chăm sóc da và tóc. Hiện nay, có nhiều công nghệ silicone mới, giúp cải thiện tình trạng gãy rụng tóc, làm mềm mượt da, bảo vệ da và tóc khỏi tác động môi trường mà không hề gây tích tụ. Chúng là các loại silicone dễ tan trong nước, dễ dàng được loại bỏ sau khi sử dụng dầu gội làm sạch ở lần tiếp theo, hoặc khi chúng ta tẩy trang, rửa mặt. [3] 

  1. Silicone gây ung thư

Silicone thường kích thước phân tử lớn, rất khó đi qua lớp thượng bì da nên khả năng gây ung thư da là rất hiếm gặp. 

Hội đồng Chuyên gia Đánh giá thành phần Mỹ phẩm (CIR), cũng như các hội đồng khoa học như Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm và Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng của EU đã kết luận rằng không có rủi ro đối với sức khỏe con người từ silicones khi được sử dụng đúng mục đích. [2] 

  1. Silicone gây hại cho môi trường và hệ sinh thái

Để đánh giá tác động tới môi trường của silicone, chúng ta cần nhìn nhận trên nhiều khía cạnh. Các silicone có những con đường khác nhau khi thải ra môi trường: các siloxane dễ bay hơi tuần hoàn trong khí quyển, dimethicone hấp thụ vào trầm tích và đất, nước. Chúng bị phân hủy tạo ra các thành phần vô cơ, carbon dioxide, axit silicic và nước. Do đó, Silicone không gây hại cho không khí cũng như môi trường đất, nước. Kiểm tra đất được xử lý bằng silicone nồng độ cao cho thấy tác động không đáng kể đến hoạt động của vi sinh vật và cũng không gây hại cho sự nảy mầm và phát triển của cây. [4]

Mặc dù silicone từ lâu đã được coi là trung tính với môi trường nhưng việc sử dụng rộng rãi với số lượng lớn đang gây ra nhiều tranh cãi về những tác động không tích cực với môi trường. Người ta lo ngại về một số ít silicon không thể phân hủy sinh học và có khả năng tích lũy trong chuỗi thức ăn nhưng các nghiên cứu cho đến nay vẫn chưa có kết luận. Vì vậy, các nước vẫn kêu gọi liên tục theo dõi, giám sát mức độ  ảnh hưởng của silicone tới môi trường. Người tiêu dùng nên lựa chọn thương hiệu uy tín, người sản xuất có chuyên môn, tin cậy để góp phần giảm thiểu những rủi ro cho môi trường nhé.

Hiện nay, chưa có các nghiên cứu hỗ trợ đánh giá việc chúng ta nên tránh sử dụng Silicone. Với mỗi loại Silicone sẽ có đặc tính và công dụng riêng, việc lựa chọn Silicone phù hợp và sử dụng đúng hàm lượng cho phép sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất cho sản phẩm. 

Tài liệu: 

[1]  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8840497/ 

[2] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10298615/ 

[3] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4938278/ 

[4] https://www.researchgate.net/profile/Anwar-Sayyed/publication/365761015_Silicone_chemicals_in_cosmetics_applications_and_their_implications_to_the_environment_health_and_sustainability/links/63aeb1d6c3c99660ebb54dfd/Silicone-chemicals-in-cosmetics-applications-and-their-implications-to-the-environment-health-and-sustainability.pdf